Trước thềm Đại hội lần thứ XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam, các phần tử cơ hội chính trị và các thế lực thù địch, phản động viết bài tán phát trên các mạng xã hội, chúng ra sức phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với báo chí, văn học-nghệ thuật. Chúng lập luận rằng: “Đảng lãnh đạo thì không có tự do báo chí, không thể tự do sáng tác văn học – nghệ thuật”! Và, “dưới chế độ đảng trị thì dẫu có cả nghìn tờ báo, kênh phát thanh – truyền hình, báo chí Việt Nam vẫn chỉ là báo chí một chiều, thông tin theo định hướng”; “văn học – nghệ thuật do Đảng lãnh đạo là thứ văn học – nghệ thuật minh họa nghị quyết”… Đó là những quan điểm, luận điệu sai trái cần phải kiên quyết bác bỏ.

Chúng ta khẳng định rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, điều đó đã được quy định trong các bản Hiến pháp trước đây và trong Điều 4 Hiến pháp năm 2013 của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do vậy, các cơ quan, tổ chức của Đảng lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của báo chí, văn học – nghệ thuật là điều tất nhiên.

Xin lưu ý những người phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với báo chí, văn học-nghệ thuật rằng, đảng chính trị lãnh đạo nhà nước và xã hội là tất yếu khách quan, không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các nước trên thế giới hiện nay. Ở tất cả các nước trên thế giới, đảng nào giành được quyền lực, trở thành đảng cầm quyền đều đề ra đường lối, mục tiêu của đảng cầm quyền với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Báo chí, văn học – nghệ thuật đương nhiên không thể không chịu sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền dưới một hình thức nào đó. Ở các quốc gia có nhiều đảng phái chính trị, các đảng cầm quyền ở đó tác động về chính trị, tư tưởng đối với báo chí, văn học – nghệ thuật thường thông qua hoạt động quản lý và chi phối của chính quyền. Các đảng phái chính trị đối lập do không nắm được chính quyền sẽ lợi dụng và tận dụng tối đa những điều luật pháp cho phép nhằm sử dụng báo chi, văn học – nghệ thuật như những công cụ, phương tiện để đấu tranh giành lại quyền lực từ tay đảng cầm quyền.

Đảng chính trị lãnh đạo báo chí, văn học – nghệ thuật (bằng những phương thức khác nhau) là vấn đề khách quan và phổ biến trong thế giới hiện nay. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với báo chí, văn học – nghệ thuật không có mục tiêu nào khác nhằm phát triển lĩnh vực này theo những giá trị của dân tộc và giá trị nhân loại, theo các chuẩn mực “chân, thiện, mỹ”.

Đảng lãnh đạo là nhân tố quyết định cho sự phát triển nền báo chí, văn học-nghệ thuật lành mạnh, tiến bộ. Theo Các Mác: “Dân tộc nào đánh mất bản sắc thì dân tộc đó sẽ bị đồng hóa”. Trong thời đại hiện nay, các quốc gia dân tộc có thể vẫn giữ được chủ quyền biên giới lãnh thổ, nhưng nếu không có chính sách phát triển đúng đắn thì sẽ thất bại trước các cuộc “xâm lăng văn hóa”, mà mất văn hóa là mất tất cả. Những thành tựu phát triển của báo chí, văn học-nghệ thuật ở Việt Nam từ khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là không thể phủ nhận. Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò to lớn của báo chí, văn học-nghệ thuật, đó là những thành tố nòng cốt của văn hóa, là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, nguồn nội lực quan trọng để phát triển đất nước. Trên thực tế, đời sống văn hóa – văn nghệ của nhân dân ta ngày càng sôi động, phong phú. Với quan điểm vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, các sản phẩm văn hóa –văn nghệ của Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng.

Theo quan điểm của những người phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng thì để có nền báo chí, văn học – nghệ thuật “thực sự” thì các nhà báo, văn nghệ sĩ được quyền tự do tư tưởng tuyệt đối trong sáng tạo và công bố tác phẩm. Song, trên thế giới không có quốc gia nào có nền báo chí, văn học – nghệ thuật đạt đến trình độ “tự do tuyệt đối” như vậy. Ở nước Anh, nếu có người nào đó hô “đả đảo chính phủ nước Anh”, “đả đảo Nữ hoàng” hoặc tuyên truyền bạo lực cách mạng, thì sẽ bị coi là tội phạm và bị bắt ngay lập tức. Ở Mỹ, Đạo luật Trấn áp phản loạn của nước Mỹ quy định: “Việc viết, in, phát biểu hay phổ biến… mọi văn bản sai sự thật, có tính chất xúc phạm hay ác ý chống chính quyền đều là tội”. Điều 238 Bộ luật Hình sự của nước Mỹ nghiêm cấm mọi hành vi “in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in ấn nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hoặc bạo lực”.

Như vậy, không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước trên thế giới, cùng với việc công nhận quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật, mỗi quốc gia đều ban hành những quy định pháp lý cụ thể, đưa ra những giới hạn nhất định để bảo đảm việc thực thi quyền con người, quyền công dân.

Điều 29 “Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền” của Liên hợp quốc (năm 1948) khẳng định các quyền con người có thể bị hạn chế theo luật định: “mỗi người đều có nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”.

Thực tiễn trên đây đã chứng minh rằng, ở mọi quốc gia trên thế giới, không có và không thể có nền báo chí, văn học – nghệ thuật nào “tự do tuyệt đối”, “tự do vô giới hạn”. Do vai trò đặc biệt quan trọng và to lớn của báo chí, văn học – nghệ thuật nên các thế lực thù địch luôn chọn lĩnh vực này là “đột phá khẩu”, là mục tiêu trọng yếu cần chiếm lĩnh nhằm đi tới mục tiêu sâu xa của chúng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện nay ở hải ngoại, hàng trăm tờ báo, hãng phát thanh truyền hình, hàng nghìn báo điện tử và blog phản động bằng tiếng Việt được các thế lực phản động nuôi dưỡng, chu cấp kinh phí hoạt động nhằm một nhiệm vụ duy nhất là xuyên tạc, vu cáo, bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam, hạ bệ và giải thiêng các lãnh tụ cộng sản, kích động hận thù và bạo loạn lật đổ, gây mất an ninh chính trị trong nước ta. Chúng đỡ đầu, cho xuất bản nhiều tác phẩm văn học – nghệ thuật phản động nhân danh “tự do xuất bản”, “tự do ngôn luận”… cùng đều nhằm mục đích ấy./.

Văn Khoa